https://www.eria.org/uploads/media/Books/2023-VietNam-2045/VN2045_Vietnamese-web-Jun2024.pdf
VIỆT NAM 2045: CÁC VẤN ĐỀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN
Ấn phẩm mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản
Chủ biên
Fukunari Kimura
Nhóm nghiên cứu Việt Nam 2045
--
Năm 2021, Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu trở thành nước
phát triển vào năm 2045. Nghị quyết chỉ rõ lộ trình thực hiện mục tiêu dài hạn
này, bắt đầu từ việc vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025 – kỷ niệm
50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đến năm 2030, kỷ niệm
100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam trở thành nước có thu nhập
trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam đặt mục tiêu trở
thành quốc gia có thu nhập cao. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam công
bố lộ trình dài hạn một cách chi tiết như vậy, cho thấy Việt Nam tự tin vào tiến
trình phát triển sắp tới.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại
giao với Nhật Bản vào ngày 21 tháng 9 năm 1973, 2 năm trước ngày giải phóng
hoàn toàn miền Nam. Hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào
năm 2023. Để đánh dấu cột mốc quan trọng này, theo đề xuất của Ngài Yamada
Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á
(ERIA) đã thực hiện một nghiên cứu toàn diện nhằm định hình kịch bản phát triển
đến năm 2045, cùng với các khuyến nghị chính sách hướng tới hiện thực hóa mục
tiêu quốc gia của Việt Nam.
Ấn phẩm nghiên cứu này gồm ba chủ
đề: (i) quan điểm lịch sử và mô hình phát triển; (ii) phát triển công nghiệp là
động lực cho tăng trưởng kinh tế; và (iii) tính bền vững và các vấn đề xã hội.
Dựa trên 21 nghiên cứu về ba chủ đề này, ấn phẩm đưa ra nhiều khuyến nghị chính
sách phục vụ chiến lược phát triển của Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII được thông qua trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh
và phức tạp hơn bao giờ hết, với tâm lý chống toàn cầu hóa và căng thẳng địa
chính trị gia tăng, và tiến bộ công nghệ chưa từng có tiền lệ. Dù định hình chiến
lược phát triển như thế nào, Việt Nam đều phải giải quyết những thách thức này
và tối ưu hóa những cơ hội có được. Trên tinh thần đó, tôi hi vọng ấn phẩm này
sẽ giúp Việt Nam cụ thể hóa tầm nhìn phát triển đến năm 2045 cũng như thúc đẩy
hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong nhiều năm tới.
--