Kỷ yếu hội thảo khoa học: Thư viện thông minh 4.0. Công nghệ - Dữ liệu - Con người

Thư viện thông minh Việt Nam đã trải qua gần 30 năm phát triển với nhiều thế hệ được định danh như: Thư viện 1.0, Thư viện 2.0, Thư viện 3.0... Từ những năm 1990, khi máy tính và Internet được ứng dụng để tạo mục lục tìm kiếm tự động, tự động hoá quản trị thư viện truyền thống, số hoá tạo lập các bộ sưu tập số và phát triển thư viện số…, các cán bộ thư viện cũng như bạn đọc đã được hệ thống máy tính - mạng hỗ trợ rất nhiều để quản trị và truy cập, tìm kiếm, sử dụng dữ liệu - thông tin - tri thức của thư viện hiệu quả và nhanh chóng hơn rất nhiều lần trong quá khứ. Những tiến bộ vượt bậc về công nghệ máy tính và mạng được ứng dụng ở cả không gian vật lý (thư viện truyền thống) và không gian số (thư viện số) như: Trí tuệ nhân tạo, Kết nối vạn vật, Dữ liệu lớn… đã xoá bỏ ranh giới và kết nối cả không gian vật lý và không gian số của thư viện lại với nhau, tạo kết nối vô tận đến nguồn tri thức của nhân loại, đồng bộ hoá theo thời gian thực giữa các thiết bị công nghệ - dữ liệu - con người với nhau… tạo nên thư viện thông minh thế hệ thứ 4: Thư viện 4.0.

Nhằm nâng cao nhận thức và truyền thông sâu rộng trong cộng đồng thông tin - thư viện về mô hình thư viện thông minh 4.0 đang dần hình thành ở Việt Nam, cuốn kỷ yếu hội thảo “Thư viện thông minh 4.0: Công nghệ - Dữ liệu - Con người” đã được xuất bản đến tay bạn đọc. Công trình khoa học này đã qua phản biện (48 bài chấp nhận) và quy tụ các chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý về thông tin, thư viện, công nghệ,… tập trung phân tích, tổng hợp, lý giải và đem lại những kiến thức khoa học mới nhất về thế hệ thư viện thông minh 4.0 như: Những lý thuyết - khái niệm mới về thư viện thông minh; Công nghệ web 2.0 - 3.0 - 4.0; Kết nối vạn vật - Trí tuệ nhân tạo - Dữ liệu lớn thư viện; Siêu dữ liệu; Quản trị tri thức; Sản phẩm - Dịch vụ thư viện thông minh; Các ứng dụng công nghệ mới nhất trong thư viện…

==================================================