"Khi tôi trở về, tôi hoàn toàn không có ảo tưởng hay tham vọng gì về tiền bạc hay quyền lực hay sự nghiệp. Tôi cũng chắc chắn là mình sẽ không thay đổi được điều gì, tốt hay xấu, cho đất nước. Tôi chỉ có cảm giác là mình "thuộc về đây", mình về để chia sẻ với bạn bè, gia đình, các người trẻ khác những khó khăn, đắng cay, tủi nhục và đau thương của những người đã "sinh nhầm thế hệ".

-----------------------------------------

 "Cơn sóng thần 1975 cuốn trôi tất cả và tôi quay lại Mỹ với hai bàn tay trắng. Trong khi vợ khóc sướt mướt vì mất mát, tôi vẫn hưng phấn và lạc quan. Trong tôi, không một chút oán hận hay giận dữ, không trách móc ai hay đổ lỗi cho số phận xui xẻo. Bởi vì tôi hiểu là dù thực tại có bê bết. Alan vẫn là Alan".

-----------------------------------------

“Tinh hoa trí tuệ, tinh hoa tinh thần khác xa với sự phô trương hàng hiệu. Để có thể hình thành giới tinh hoa phải có thời gian, vì văn hóa, giá trị tinh thần không thể mua được bằng tiền”.
 
-----------------------------------------

        Tiến sĩ Alan Phan, tên thật là Phan Việt Ái (sinh ngày 7 tháng 8 năm 1945 – mất ngày 19 tháng 10 năm 2015), là một nhà kinh doanh, giảng viên thỉnh giảng, nhà báo và viết sách.

        Quê nội của Alan Phan ở Quảng Trị, mẹ là người Miền Bắc (Việt Nam), còn ông sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, Sài Gòn. Gia đình tác giả nằm trong diện trung lưu thời bấy giờ, ông theo học ở trường Petrus Ký, được học bổng USAID và sang Mỹ học chuyên ngành Môi trường năm 1963.

        Năm 1968, Alan Phan về nước và giảng dạy tại trường Cao đẳng Phú Thọ (nay là Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

        Năm 1969, Alan làm việc bán thời gian cho tập đoàn Eisenberg và sau đó kinh doanh riêng với các công ty Dona Foods, Foremost Dairies (Vinamilk ngày nay), Mekong Car,…Ông trở thành một doanh nhân nổi danh ở miền Nam Việt Nam với tổng nhân viên lên đến 18,000 người.

 Nỗi niềm xa xứ sở của Alan Phan

        Năm 1975, Alan Phan trở lại Mỹ bắt đầu cuộc đời mới sau biến cố 30/04. Là nhà kinh doanh, ông bôn ba rất nhiều nước để làm ăn, trong đó Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nước mà ông dành đến 42 năm để làm việc.

        Alan được ví như Fukuzawa Yukichi của Việt Nam, với mục đích khai phóng tư duy lệ thuộc với tư tưởng độc lập, tự do làm ăn bằng chính sức lực của cá nhân, doanh nghiệp hay quốc gia, ủng hộ tiêu chí “dân giàu, nước mạnh”.

        Ông là người Việt đầu tiên đưa công ty Harcourt niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 1997 và thị giá đạt 700 triệu USD năm 1999.

        Alan là người thực hiện hai Chương trình từ thiện: “20 triệu máy tính bảng cho trẻ em Việt Nam”,  “Tiếp lửa cho doanh nghiệp Việt”.

 Blog Góc nhìn Alan

        Alan Phan được công chúng Việt Nam biết đến nhiều hơn qua trang blog Góc nhìn Alan với các bài bình luận, phân tích về kinh tế, xã hội Việt Nam. Ông được đánh giá là một chuyên gia với những góc nhìn thẳng thắn, sắc sảo về thực tế và dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam.

        Trong một cuốn sách năm 2011, ông cho biết “thường xuyên về Việt Nam” từ 2007 sau 42 năm làm ăn ở Trung Quốc và Mỹ. Alan có một phát biểu khá cảm động: “Tôi muốn tìm một điều gì đó khác hơn và hy vọng Việt Nam sẽ là một ‘quê hương thực sự’ cho phần đời còn lại của mình.”

 Sách hay của Alan Phan

        Ngoài kinh doanh, Alan Phan là giáo viên, dịch giả, bình luận viên cho nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, tác giả của 11 quyển sách tiếng Anh và tiếng Việt:

 42 năm làm ăn ở Mỹ và Trung Quốc

Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí

Góc Nhìn Alan: Kinh Tế

Một Tư Duy Khác Về Kinh Tế Và Xã Hội Việt Nam

Niêm yết sàn Mỹ

Đừng hoang tưởng về biển lớn

Quê hương những đêm chờ sáng

Ngoài vòng phủ sóng

Góc nhìn Alan dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu

Bí mật Phan Thiên Ân

Góc nhìn Alan những bài chưa xuất bản

Bộ sách Di sản Alan Phan (Góc nhìn Alan về kinh tế, về xã hội, niêm yết sàn Mỹ và 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc)