"Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được.
Chúng ta đã không quản gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất. Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công.
Chúng ta 'làm thầy'."
--------------------------------------------
 
        Hoàng Đạo Thúy (1900–1994) là một nhà cách mạng và nhà hoạt động văn hóa xã hội Việt Nam. Ông từng là thủ lĩnh Phong trào Hướng đạo Việt Nam tại khu vực Bắc Kỳ thuộc Pháp và là một Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà hướng đạo, nhà văn, ủy viên chỉ đạo liên đoàn Scout Việt Nam, quê làng Đại Yên, huyện Thanh Trì, Hà Nội (nay thuộc quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội). (có sách chép sinh năm 1902).

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, thuở nhỏ học tại Trường Bưởi (Hà Nội) làm giáo viên tiểu học Trường SinhTừ từ những năm 1925. Từng là Thủ lĩnh phong trào hưóng đạo Việt Nam tại Bắc kì mà hầu hết thành viên trong Ban chỉ đạo (Commissaire Scout) liên đoàn Hướng đạo này đa số là người Pháp đều nể trọng, mến phục ông. Những năm 40 là thành viên Ban biên tập báo Thanh Nghị, phụ trách các vấn đề giáo dục, văn hóa, hướng dẫn thanh thiếu niên theo phương pháp Hướng đạo.

Cùng thời điểm, ông tham gia hoạt động phong trào Truyền bá Quốc ngữ, phong trào Cứu tế xã hội ở miền Bắc, Hội viên Hội Tân Việt Nam...

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 gia nhập quân đội kháng chiến với hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, lần lượt gia các chức vụ: Ủy viên Ủy ban Quân sự toàn quốc Giám đốc Trường Võ bị Việt Nam, Cục trưởng Cục Thông tin, Giám đốc Trường Dân tộc trung ương, Đại biểu Quốc hội năm 1946, đơn vị Thái Bình.

Ngoài một Thủ lãnh hướng đạo, nhà giáo, nhà quân sự... Ông còn là một nhà văn có uy tín trong làng văn.

Các tác phẩm của ông gồm:

- Hướng đạo sinh (1929)

- Bác Hai Bền (1941)

- Trai nước Nam làm gì (1943)

- Nghề thầy (1944)

- Thi đua ái quốc (1948)

- Thông tin liên lạc sơ lược (1948)

- Ông cha ta đánh giặc như thế nào? (1959)

- Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (1969)

- Phố phường Hà Nội xưa (1974)

- Đi thăm đất nước (1978)

- Lên đường hạnh phúc (1985)

- Đất nước ta (1980, cùng viết)

Lúc sinh thời, khi nói về đời mình, ông tổng kết "Dạy học 28 năm, làm Hướng đạo 15 năm, vào bộ đội 20 năm... Cả đời yêu nước. Làm gì cũng nghĩ yêu nước. Từ dạy học, làm Hướng đạo, vào bộ đội, làm trường Dân tộc, vì yêu nước. Đến cầm bút viết cũng vì mục đích ấy. " 

Ông qua đời năm 1994 tại Hà Nội, thọ 94 tuổi để lại sự thương tiếc của nhiều người, nhiều giới.

Trước khi về thế giới bên kia ông có bài thơ tỏ chí:

Ngủ quên

Gió thoảng trăng trong buổi mát trời,

Ngủ quên không dậy, việc thường thôi!

Các con chớ giận không từ biệt

Cháu nhớ ông bà, ngày tháng trôi.

Cái chính chỉ là một lời dặn:

"Giữ lòng trung hậu ở trên đời "

Nhớ thương ghi tạc tình cao cả,

Tổ quốc bền lâu với đất trời.